Cứ khi mùa Xuân đến và vào lúc hoàng hôn ở Công viên quốc gia Biển Wadden, Tây Nam Đan Mạch, khoảng 1,5 triệu chim sáo đá xanh di cư lại khuấy động không gian bằng cách đồng loạt vút lên, bay lượn theo những làn sóng uyển chuyển và đồng bộ. Đến giờ, các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được làm thế nào chúng có thể hình thành vũ điệu trên không kỳ vĩ, đẹp mê hồn.
Mảnh đất nghỉ chân
Tây Nam Đan Mạch (quốc gia ở châu Âu) là thiên đường ốc sên, ấu trùng và trái cây rụng. Công viên quốc gia Biển Wadden là khu bảo vệ tự nhiên lớn nhất Đan Mạch, kéo dài từ vịnh Ho đến biên giới với Đức, bao gồm 3 đảo (Fanø, Mandø và Rømø) cùng mũi đất Blåvandshuk, cửa sông Varde và rất nhiều đầm lầy như Tjæreborgmarsken, Ribemarsken…
Tổng diện tích của Wadden lên tới 1.466km2. Kể từ năm 2010, cả vùng đất rộng mênh mông này được quy hoạch thành các khu bảo tồn chim chóc, động vật hoang dã, vùng đất ngập nước có tầm quan trọng nhất thế giới.
Bên trong Wadden bảo vệ khoảng 500 loài động – thực vật hoang dã. Tuy nhiên, cái làm nên tên tuổi của nó không phải các sinh vật bản địa, mà là những loài di cư. Trung bình mỗi năm, Wadden đón khoảng 10 – 12 triệu con chim di cư và trong số này, có khoảng 1,5 triệu là chim sáo đá xanh.
Nếu khu vực Tây Nam của Đan Mạch là thiên đường thức ăn cho chim chóc thì Wadden chính là trung tâm của thiên đường này. Bờ biển Wadden nhiều bãi bồi màu mỡ.
Mỗi khi thủy triều rút, hàng loạt sinh vật nhỏ mà béo mẫm lại bị mắc kẹt và chúng không qua nổi đôi mắt sắc lẹm của những cánh chim di cư đang mỏi mệt, bụng dạ đói mềm. Lẽ dĩ nhiên, chúng thi nhau nhào xuống, bắt ăn, nuôi dưỡng cơ thể béo mầm rồi mới quay trở lại đường di cư, tìm nơi sinh sản thích hợp.
Ngoài lượng thức ăn giàu có, Wadden còn có đầm lầy dày đặc lau sậy. Chúng cung cấp chỗ ẩn nấp hoàn hảo cho các loài chim di cư khỏi những loài săn mồi như diều hâu, cáo… Sự kết hợp của 2 yếu tố thuận lợi, ăn và ở, biến Wadden thành “sân bay quốc tế của các loài chim”. Một khi đã bay ngang qua đây, chúng không cớ gì lại không ghé lại nghỉ ngơi, ăn ngủ thỏa sức.
Vũ điệu mê hoặc
Sáo đá xanh là loài chim khỏe khoắn và xinh xắn. Chúng có bộ lông mượt mà, màu từ nâu đậm đến đen nhưng ánh lên sắc xanh dương, sống theo bầy và một bầy có thể đông đến 600 nghìn cá thể.
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa Xuân là Wadden lại chào đón khoảng 1,5 triệu con sáo đá xanh. Đúng lúc Mặt trời lặn, chúng đồng loạt cất cánh, bay lên cao và cùng nhau chao lượn đồng bộ. Một đàn sáo đá xanh luôn hình thành đám mây dày đặc và đen kịt, đến mức được người dân địa phương gọi là “mặt trời đen”.
Đám mây chim sáo đá xanh di chuyển và thay hình đổi dạng liên tục. Âm thanh đập cánh của chúng rất lớn, hệt như thác nước đổ ầm ầm còn vũ điệu trên không của chúng thì mê hoặc mọi con mắt nhìn.
“Sáo đá xanh dành cả mùa Hè ở Phần Lan, Thụy Điển hoặc Siberia. Khi trời trở lạnh và mặt đất bắt đầu đóng băng, chúng di cư về phía Nam vẫn còn ấm nóng và không bao giờ quên dừng chân ở Wadden”, Jesper Danneborg Voss, hướng dẫn viên du lịch của Wadden cho biết.
Thời gian sáo đá xanh tạm trú ở Wadden khá dài, thường khoảng vài tháng. Suốt thời gian này, gần như chiều nào, chúng cũng khuấy động không gian bằng vũ điệu đồng loạt vừa ồn ã vừa đẹp mắt.
“Nút” khởi động của vũ điệu trên không là sự xuất hiện của động vật săn mồi. Chỉ cần một con sáo đá xanh trong đàn phát hiện chúng ở nơi định đi ngủ và báo hiệu, cả đàn sẽ đồng loạt bay vút lên và ra mắt đội hình múa tự phát, dùng tiếng đập cánh cùng số lượng khổng lồ áp đảo kẻ thù.
Sau khi chao lượn đủ đuổi loài săn mồi, đàn sáo đá xanh hạ cánh, chia nhau chiếm cứ các vùng lau sậy um tùm. Chúng ngủ ở tư thế đứng thẳng, chân bám chặt vào thân lau, nhịp tim hạ thấp và tâm trí hoàn toàn thư giãn.
Thường thì, khoảng 3 – 5 con đậu chung một cây lau. Khi không khí buổi đêm lạnh dần, chúng xích lại gần nhau cho ấm. Sáng ra, bầy sáo vừa kêu la om tỏi vừa tách đàn, phân tán kiếm ăn khắp các vùng đầm lầy theo các nhóm nhỏ.
Từ thời cổ đại, vũ điệu tự phát của sáo đá xanh đã mê hoặc con người. Người La Mã cho rằng, sự đa dạng trong các “buổi biểu diễn” của chúng biểu thị cho tâm trạng muôn hình vạn vẻ của các vị thần. Thần thoại Celtic thì xem sáo đá xanh như hóa thân của nữ thần Brigid, vị thần chữa lành và sinh sản.
Gần đây, các nhà khoa học bỏ công nghiên cứu vũ điệu tự phát mà đồng loạt của sáo đá xanh. Họ giả định, âm thanh và sự di chuyển đồng nhất của chúng là cách chúng “khắc nhập” hàng chục vạn cá thể thành một, dọa nạt kẻ thù sinh thái. Các loài săn mồi bị rối mắt bởi sự thay đổi hình dạng của đàn sáo đá xanh, vừa hoảng hốt vừa khó xác định con mồi muốn bắt, cuối cùng đi săn thất bại.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn giả định, vũ điệu tự phát của sáo đá xanh là một kiểu tập hợp đàn đi ngủ. Chúng muốn số lượng cá thể ngủ cùng nhau phải thật đông nhằm tránh lạnh, nên mới bay lên cao, chao lượn gọi bầy.
Tuy không rõ lý do bay lượn đồng loạt lúc Mặt trời lặn của sáo đá xanh là gì nhưng, sau vài tháng mùa Xuân tạm trú tại Wadden, chúng rời thiên đường này, bay tiếp về phía Nam tới Bỉ, Anh. Năm sau, khi phía Bắc lạnh dần, chúng lại “đến hẹn lại lên” với Wadden.
Ngoài sáo đá xanh, Wadden còn là nơi tạm trú của ngỗng xám khổng lồ, chim ưng, diệc, thiên nga và chim te te di cư. Nhờ chúng và sáo đá xanh mà năm nào, Wadden cũng “check-in” mỏi tay với du khách mê chim từ khắp nơi trên thế giới.