Thành phố thân thiện với môi trường của loài mối ở châu Phi

Cư dân trong "thành phố" của loài mối sống trong điều kiện mát mẻ mà không cần tiêu tốn điện năng, tạo nên một mô hình bền vững và thân thiện với môi trường.

Ngay giữa vùng trảng cỏ châu Phi rộng lớn mọc sừng sững một “thành phố” kiểu mẫu về thân thiện với môi trường. Các tòa tháp được xây dựng hoàn toàn bằng chất liệu sinh học, phân hủy dễ dàng trong thiên nhiên. Cư dân của thành phố sống trong những khu vực mát mẻ và có độ ẩm lý tưởng mà không tốn 1 Watt điện nào. Đây không phải chuyện khoa học giả tưởng mà là sự thật về một “thành phố” của… mối.

Khi những vấn đề về biến đổi khí hậu trở nên cấp bách, ngày càng có nhiều chuyên gia về sinh học, kiến trúc… quan tâm hơn đến phương thức xây dựng “bậc thầy” của mối, theo chuyên san New Scientist. Trước đây từng có một số nhà khoa học quan tâm đến vấn đề này nhưng những kết quả nghiên cứu của họ chưa được phổ biến và áp dụng rộng rãi. Nhà côn trùng học Thụy Sĩ Martin Luscher bắt đầu tìm hiểu về kiến trúc của các tổ mối thuộc chi Macrotermes từ thập niên 1960. Ông nhận ra rằng cách thức xây dựng có liên hệ trực tiếp với thói quen ăn uống của mối. Thức ăn chính của loài côn trùng này là chất xơ (cellulose) từ gỗ, vốn rất khó tiêu hóa. Mối đã “trồng” một số loại nấm đặc biệt có khả năng biến đổi thứ thực phẩm “khó nuốt” này thành dưỡng chất dễ hấp thụ. Tuy nhiên, môi trường “canh tác” phải mát mẻ và ở độ ẩm thích hợp, một điều không hề đơn giản với khí hậu nhiệt đới châu Phi. Các tổ mối bắt buộc phải có hệ thống trao đổi khí cực kỳ hiệu quả.

Mối là những bậc thầy về kiến trúc thân thiện với môi trường - Ảnh: Tdrinc
Mối là những bậc thầy về kiến trúc thân thiện với môi trường – Ảnh: Tdrinc

Theo chuyên gia Scott Turner thuộc Đại học New York (Mỹ), các bức tường bên ngoài tổ mối được xây dựng sao cho chỉ có những luồng gió thổi chậm có thể “len lỏi” vào bên trong. Nhờ đó, trong tổ mối, khí thải và khí trong lành không ngừng di chuyển, đảm bảo quá trình trao đổi khí. Nói cách khác, kiến trúc đặc biệt giúp tổ mối hoạt động như một buồng phổi khổng lồ.

Ngoài ra, mối rất biết cách thay đổi cách xây tổ để thích nghi với môi trường. Chẳng hạn, trong môi trường quá nóng, các “kiến trúc sư” tài năng này sẽ “vùi” tổ sâu vào lòng đất hơn, giúp kiểm soát nhiệt độ một cách hiệu quả. Còn để giữ độ ẩm, chúng sẽ lót bên dưới tổ một lớp gỗ và cỏ được nhai nhuyễn và trộn chung lại. Hỗn hợp này sẽ hoạt động như một miếng “siêu bọt biển”, có thể hút vào hoặc “nhả” ra đến 80 lít nước để cân bằng độ ẩm trong tổ. Đây chắc chắn là những bài học hữu ích để con người tiến đến các đô thị “sinh thái” trong tương lai, ông Turner nhận định.

Team Tế Bào Vui
Team Tế Bào Vui
Bài viết: 429