Các nhà khoa học cho biết nước tiểu con người có thể tái chế thành phân bón cực tốt cho cây trồng với chi phí rất rẻ.
Theo thống kê, mỗi năm nông dân tốn 128.000 USD mua phân bón cho cây trồng. Giờ đây, các nhà khoa học nói họ có thể tiết kiệm được một khoản lớn nếu biết cách lấy nước tiểu làm phân bón.
“Nước tiểu của chúng ta có giá trị như vàng”, nhà nghiên cứu Divina Gracia P. Rodriguez từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Sinh học Na Uy nói với Science Na Uy.
Một người trung bình xả khoảng 500 lít nước tiểu mỗi năm, số nước này có thể chuyển thành 6kg phân bón, theo tính toán của các nhà khoa học.
Các nhà nghiên cứu hiện đang phát triển nhà vệ sinh có thể tách riêng nước tiểu và đã bắt đầu thử nghiệm ở Bahir Dar, Ethiopia.
Sau khi được tách ra, nước tiểu được sấy khô và chuyển thành những viên không mùi, rẻ tiền có thể rải khắp ruộng đồng để bón cho cây trồng.
Điều này nghe “ghê ghê”, nhưng bà Anne Spurkland – giáo sư và nhà nghiên cứu y tế tại Đại học Oslo, khẳng định nó “hoàn toàn an toàn”.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan đã xác nhận trong một nghiên cứu năm 2020 rằng có thể dùng nước tiểu làm phân bón mà không sợ lây bệnh nhiễm trùng kháng kháng sinh.
Theo đó, trước khi dùng làm phân bón, nước tiểu sẽ được tiệt trùng trong 10 tiếng, khi đó các gene kháng kháng sinh sẽ giảm 99%.
Tại Mỹ, Viện Rich Earth cũng đang phát triển các cách biến nước tiểu con người thành phân bón. “Trong nước tiểu có nitơ, phốt pho, kali và các khoáng chất vi lượng khác mà cây trồng cần”, Kim Nace, người đồng sáng lập Viện Rich Earth, nói.
Ngoài ra có một cách đơn giản hơn và có thể làm tại nhà, đó là lấy 1 phần nước tiểu trộn với 9 phần nước, sau đó phun lên cây trồng.
“Con người đã lấy nước tiểu làm phân bón trong một thời gian rất dài, nhưng họ đã dừng lại sau khi phương Tây phát minh ra hệ thống xử lý nước thải”, tiến sĩ Krista Wigginton, đồng tác giả nghiên cứu, nói với The Guardian. “Chúng tôi chỉ đang cố gắng tìm ra cách thu giữ một số sản phẩm có giá trị trước khi chúng bị trộn lẫn và pha loãng với mọi thứ khác”.
- Cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào cho cây trồng, giúp cây phát triển khỏe mạnh, cho năng suất cao.
- Cải thiện cấu trúc đất, tăng cường khả năng giữ nước và độ phì nhiêu.
- Kích thích sinh trưởng của rễ cây, tăng cường khả năng hấp thụ dinh dưỡng và nước.
- Diệt trừ một số loại sâu bệnh hại cây trồng.
- Tiết kiệm chi phí so với việc sử dụng phân bón hóa học.
- Bảo vệ môi trường do hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.