“Siêu lợn” gây thiệt hại hàng triệu USD/năm cho mùa màng, chứa hàng chục mầm bệnh đe dọa con người và vật nuôi cũng như hệ thống sản xuất thịt.
Lợn rừng có nguồn gốc từ Canada còn được gọi là “super pig” (siêu lợn) với trọng lượng con trưởng thành là hơn 220kg, gấp đôi kích thước lợn rừng thông thường. Tại Mỹ, hiện có khoảng 6 triệu siêu lợn ở ít nhất 35 tiểu bang, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp nước này.
Số lượng lợn rừng ở Canada vẫn chưa được xác định, nhưng các nhà khoa học nói rằng chúng đang gia tăng nhanh chóng. Ryan Brook, Giám đốc dự án nghiên cứu lợn rừng Canada, cho biết: “Chúng đang lan rộng ngoài tầm kiểm soát. Chúng trải rộng trên một khu vực rộng khoảng 1 triệu km2 ở Canada, rộng hơn rất nhiều quốc gia”.
Lợn rừng được biết đến là loài có sức tàn phá khủng khiếp, vì chúng phá hoại mùa màng, lây lan dịch bệnh và làm ô nhiễm nguồn nước. Các nghiên cứu uớc tính rằng loài động vật này gây thiệt hại 2,5 tỷ USD/năm ở Mỹ.
“Chắc chắn chúng nguy hiểm. Lợn rừng đã giết người, đã làm một thành viên trong đội của chúng tôi bị thương nặng. Chúng được coi là một trong những loài có sức tàn khá khủng khiếp nhất trên hành tinh”, Brook nói.
Nhà nghiên cứu của Đại học Saskatchewan cho biết lợn rừng có tính phá hoại và dễ thích nghi. Brook và các đồng nghiệp của ông tại Đại học Saskatchewan gần đây đã tiến hành một nghiên cứu – do Bộ Nông nghiệp Mỹ tài trợ – để xem liệu siêu lợn có phải là mối đe dọa đối với các bang phía bắc hiện không có lợn như Montana, Minnesota và North Dakota hay không.
Họ phát hiện rằng loài lợn đến từ Canada có “khả năng cao” tiến nhanh về phía bắc và đưa ra các khuyến nghị mạnh mẽ về cách đối phó.
Sức tàn phá khủng khiếp
Lợn rừng Canada là hậu duệ của các loài động vật được thả hoặc trốn thoát khỏi các trang trại chăn nuôi.
Brook nói với người dẫn chương trình Quirks & Quarks, Bob McDonald: “Lợn rừng được đưa đến từ Vương quốc Anh vào những năm 80 và 90 để cố gắng đa dạng hóa nền nông nghiệp Mỹ”.
Những con lợn này sau đó được lai với lợn nhà để tăng kích thước và khả năng sinh sản, dẫn đến cái mà Brook gọi là “supper pig” vì “nó thúc đẩy quá trình sinh sản và khiến loài vật này lớn hơn”.
Brook cho biết con lợn lớn nhất mà ông bắt được nặng 290 kg. Và vì con cái có thể sinh sản ngay khi được 6 tháng tuổi và đẻ nhiều lứa mỗi năm, “số lượng đàn lợn không giảm, dù bạn có cố gắng loại bỏ chúng nhanh chóng”, ông nói.
Trên khắp Canada, phần lớn lợn rừng sinh sống ở Manitoba, Saskatchewan và Alberta, nhưng chúng cũng được tìm thấy ở cả Yukon, British Columbia và ngày càng nhiều ở Ontario. Bộ Tài nguyên và Lâm nghiệp Ontario (MNRF) cho biết trong một tuyên bố với CBC rằng họ đã nhận được 80 báo cáo về lợn trong năm qua.
Một trong những thách thức chính đối với các nhà nghiên cứu là rất khó phát hiện lợn rừng.
Ben Waddle, người chăn nuôi gia súc ở Manitoba, cho biết: “Có rất nhiều quan niệm sai lầm về những con lợn này. Họ chỉ mong lái xe ra ngoài và nhìn thấy đàn lợn ở đâu đó. Nhưng thực tế không phải như vậy”.
Vì lợn rừng sống về đêm và có khả năng lẩn trốn tốt nên các nhà nghiên cứu phụ thuộc rất nhiều vào camera đường mòn để biết lợn đang di chuyển ở đâu. Waddle cho biết ông ít khi thấy lợn xung quanh trang trại của mình, nhưng dấu vết tàn phá của đàn lợn vẫn ở khắp nơi.
“Chúng hoạt động về đêm, vì vậy bạn thường chỉ thấy thiệt hại. Chúng giống như máy xới đất và lật tung mọi thứ, gây ra nhiều thiệt hại trong một khoảng thời gian rất ngắn”.
Không có cách giải quyết nhanh chóng
Brook nói rằng việc săn bắt siêu lợn không làm giảm quần thể của chúng.
“Giả sử ta bắn 2-3 con trong số 10 con, số còn lại thậm chí còn hoạt động về đêm nhiều hơn. Chúng phân tán khắp nơi. Vì vậy đi săn lợn theo mùa chỉ khiến mọi chuyện thêm tồi tệ”.
Ontario đã cấm hoạt động săn lợn vào năm 2021 và Brook hy vọng rằng những nơi khác cũng sẽ làm vậy.
Lợn có xu hướng di chuyển theo đàn lớn. Ban đầu lợn được cho không sinh sản trong tự nhiên, nhưng ngày nay các nhà nghiên cứu phát hiện những con cái đẻ nhiều lứa/năm với 6 lợn con/lứa.
Waddle cho biết một trong những cách giúp đỡ hiệu quả nhất là mọi người báo cáo việc nhìn thấy lợn, dù chúng ở bất kỳ đâu. Waddle làm kỹ thuật viên hiện trường cho nhóm Squeal on Pigs Manitoba, nhằm mục đích hạn chế thiệt hại do lợn gây ra.
“Chúng tôi thực hiện rất nhiều hoạt động giám sát như đặt camera theo dõi, cố gắng hợp tác với các chủ đất để tìm ra những nơi có lợn”, Waddle nói.
Khi biết lợn đang ở trong khu vực, nhóm có thể lừa chúng vào bẫy và tiêu hủy. “Đó sẽ là một con đường rất dài. Không có cách giải quyết nhanh chóng”, ông nói.
Brook đồng ý và muốn thấy nhiều hành động ngăn chặn đàn lợn hơn trước khi chúng tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động.
“Tôi nghĩ rất nhiều người đang giả vờ tin rằng đây không phải là vấn đề lớn. Nhưng thực tế là vậy. Siêu lợn ở đây, lan rộng và nằm ngoài tầm kiểm soát như bất kỳ vụ cháy rừng nào tôi từng thấy”, ông nói.