Rắn lục Boomslang (Dispholidus typus) là một loài rắn có độc tố mạnh và có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng cho con người nếu bị cắn.
Chante Lee Cloete và chồng đã có 1 kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến du lịch đến Công viên Quốc gia Kruger, Nam Phi khi chứng kiến hai thành viên thuộc lớp bò sát tương tàn lẫn nhau.
Hôm đó, gia đình nhà Cloete chọn cung đường đi dọc trên con đường cát S21 để tìm kiếm các loài động vật săn mồi. Gió mát cùng nhiều hàng cây cối trên quãng đường di chuyển khiến mọi thứ trở nên hoàn hảo đối với những vị khách du lịch. Bất ngờ, chồng của Cloete dừng xe và liên tiếp đưa ra những câu hỏi về một loài động vật lạ ở trên đường.
Nhìn theo hướng mà anh chàng chỉ, mọi người mới thấy đó không phải là sư tử hay báo gì mà là một con rắn lục Boomslang. Đây là loài rắn kịch độc có chiều dài trung bình khoảng 100-160 cm, có con dài tới 183cm.
Rắn Boomslang được tìm thấy ở nhiều địa điểm khác nhau trên khắp các đồng cỏ, cây cối rậm rạp và các khu rừng đất thấp trên khắp châu Phi cận Sahara. Swaziland, Namibia, Zimbabwe và Mozambique. Chúng dành phần lớn thời gian di chuyển giữa các cành cây để săn mồi, nghỉ ngơi và ngủ.
Loài rắn này có mắt khá lớn, đầu hình quả trứng, con đực có màu xanh lá cây sáng với đầu pha màu xanh và đen, con cái có thể có màu nâu, có các răng nanh dài 3-5 mm và đường kính gần 0,5 mm. Đặc biệt, loài rắn này lại có thị giác khá tốt ngang ngửa với người bình thường.
Boomslang sở hữu nọc độc mạnh nhất trong bộ nhóm rắn nanh sau. Ngày nay, Boomslang được xếp vào hàng một trong những loài rắn độc nhất châu Phi. Nọc độc khi được tiêm vào cơ thể nạn nhân có thể tấn công hệ thống tuần hoàn và ngăn chặn khả năng đông máu. Nạn nhân có thể chảy máu bên ngoài và bên trong cơ thể cho đến khi tử vong. Vì tác dụng rất chậm trên người nên nọc độc được dùng như một khả năng tấn công các động vật nhỏ hơn thay vì một biện pháp phòng thủ chống lại những con lớn hơn.
Đáng chú ý, độc tố của rắn lục Boomslang không chỉ gây ra những triệu chứng bên ngoài như đau đầu, buồn nôn, buồn ngủ, lo lắng bồn chồn mà nó còn gây ra chứng rối loạn đông máu. Nguyên nhân do nọc độc của rắn chứa chất hemotoxin, một hóa chất có thể phá hủy các tế màu đỏ, gây rối loạn đông máu, sụt giảm chức năng nội tạng và thoái hóa mô.
Bên cạnh đó, khi bị đe dọa bởi những kẻ săn mồi, chúng có thể mở rộng cổ và há miệng để khiến bản thân trở nên đáng sợ hơn. Ngoài ra, chúng cũng tiết ra một chất có mùi hôi để xua đuổi kẻ thù.
Đối thủ của con rắn là một con tắc kè hoa chủ yếu được tìm thấy ở châu Phi và Madagascar. Khoảng 50% tắc kè hoa trên thế giới là loài đặc hữu ở Madagascar. Hiện mới chỉ có 66 loài được nhận dạng. Có lẽ tắc kè hoa là loài đặc biệt nhất trong số mọi loài thằn lằn, do được “thiết kế” hoàn hảo để sống trên cây.
Tắc kè là vận động viên bơi lội rất giỏi, tự căng phồng cơ thể bằng không khí. Con ngươi của chúng có thể xoay độc lập nên tắc kè có thể nhìn theo hai hướng cùng lúc mà không cần di chuyển đầu. Khả năng này, đặc biệt hữu ích đối với một loài động vật phải nguỵ trang để tránh kẻ thù. Tắc kè có thể nằm bất động tuyệt đối để theo dõi nguy hiểm và con mồi ở mọi hướng. Khi đã định vị được con mồi, thường là côn trùng, tắc kè hoa phóng lưỡi để tóm nó, khả năng phóng lưỡi dài và dính với tốc độ chóng mặt để bắt con mồi đang di chuyển nhanh.
Tuy nhiên, trước sức mạnh và sự nhanh nhẹn của mình, con rắn cuối cùng đã có thể kết liễu đối thủ trước sự chứng kiến của tất cả mọi người.