Phát hiện những gò mối lâu đời nhất ở Namaqualand

Các nhà khoa học ở Nam Phi đã phát hiện ra những gò mối lâu đời nhất tại Namaqualand, lưu trữ carbon trong hàng ngàn năm.

Các nhà khoa học ở Nam Phi đã phát hiện ra những gò mối lâu đời nhất thế giới và chúng đã lưu trữ carbon trong hàng ngàn năm qua.

Sử dụng biện pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ, nhóm khoa học gia phát hiện những gò mối dọc theo các nhánh của sông Buffels ở Namaqualand – một khu vực dọc bờ tây Nam Phi với khoảng 20% cảnh quan được bao phủ bởi những gò mối như vậy – là những gò mối lâu đời nhất từng được biết đến, với một số gò có tuổi đời lên đến 34.000 năm.

Hoa tím mọc trên các gò mối có tuổi đời hàng chục ngàn năm ở Namaqualand, Nam Phi - (Ảnh: Jannick Niewoudt and Alastair Potts).
Hoa tím mọc trên các gò mối có tuổi đời hàng chục ngàn năm ở Namaqualand, Nam Phi – (Ảnh: Jannick Niewoudt and Alastair Potts).

Theo bà Michele Francis – tác giả chính của nghiên cứu và làm việc tại Đại học Stellenbosch (Nam Phi), hằng ngày khi đi kiếm ăn, những con mối đã tha về tổ những mẩu gỗ. Qua nhiều năm, những vật liệu hữu cơ này tích tụ lại và trở thành một bể chứa giàu carbon.

Trong nghiên cứu trước đây, nhóm của bà Francis đã ước tính mỗi gò mối có thể lưu trữ khoảng 14 tấn carbon. Vì vậy, bà Francis rất muốn tìm hiểu cách nước ngầm, không khí và đất ở những gò mối này tương tác với nhau để “khóa” lại lượng carbon lớn như vậy.

Lần này, nhóm tiến hành phân tích hóa học ở những gò mối và quan sát các quá trình hóa học chuyển carbon trong không khí vào trong những gò mối. Họ phát hiện việc mối tha các mẩu gỗ vụn về tổ giúp đất trở nên tơi xốp và dễ thấm nước hơn. Sau đó, vi khuẩn trong đất sẽ chuyển đổi lượng carbon dự trữ này thành canxi carbonat.

Trong những trận mưa lớn, canxi carbonat trong các gò mối phản ứng hóa học với axit carbonic và hình thành khí CO2 hòa vào trong nước mưa. Điều này làm tăng khả năng cô lập CO2 trong khí quyển.

Một gò mối ở Namibia - (Ảnh: SciTechDaily).
Một gò mối ở Namibia – (Ảnh: SciTechDaily).

Quá trình nói trên sẽ khóa lượng carbon mới ở độ sâu khoảng 1m dưới bề mặt các gò mối để lưu trữ lâu dài, theo trang LiveScience ngày 26-6.

“Nhờ nghiên cứu những gò mối này, các nhà khoa học có thể hiểu biết hơn về cách chống biến đổi khí hậu, sử dụng các quy trình riêng của tự nhiên để cô lập carbon. Những gò mối này không chỉ soi sáng quá khứ mà còn cung cấp những manh mối quan trọng cho tương lai của chúng ta”, bà Francis nói.

Team Tế Bào Vui
Team Tế Bào Vui
Bài viết: 412