Loài sinh vật này có khối lượng gần bằng một đồng xu; tiếng kêu của chúng là một chuỗi âm thanh giống tiếng kích chuột máy tính.
Ếch có thể được biết đến với nhiều đặc tính nhưng răng của chúng chắc chắn không phải là một trong số đó. Loài ếch thậm chí hầu như không sở hữu răng.
Tuy nhiên, một chi ếch với khoảng 70 loài lại sở hữu răng nanh. Khi di chuyển khắp Đông Nam Á, chúng sử dụng hàm của mình để chiến đấu với những con ếch khác và thậm chí có thể dùng răng nanh cắn chặt một con cua hoặc một con rết khổng lồ.
Giờ đây, các nhà khoa học cũng tìm thấy thêm một loài ếch có răng nanh mới và có thể đây là loài ếch nhỏ nhất thế giới.
Jeff Frederick, một nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Field ở Chicago (Mỹ), trong một tuyên bố gửi tới IFLScience, cho biết: “Loài ếch mới này rất nhỏ so với các loài ếch có răng nanh khác sinh sống trên hòn đảo nơi nó được tìm thấy”.
“Nhiều loài ếch thuộc chi này rất khổng lồ, nặng tới 2 pound. Tuy nhiên loài mới này chỉ nặng tương đương một đồng xu”, nhà nghiên cứu cho biết.
Loài ếch mới này có chiều dài cơ thể khoảng 3cm, khiến nó trở thành loài ếch có kích thước cơ thể khi trưởng thành nhỏ nhất trong số các loài ếch có răng nanh trên hòn đảo nơi nó được phát hiện.
Những con ếch này được tìm thấy ở ba địa điểm trên đảo Sulawesi ở Indonesia và chính trứng của chúng đã tiết lộ sự tồn tại của chúng. Loài này đẻ trứng ở mặt lá và các tảng đá rêu, do đó chúng được đặt tên là Limnonectes phyllofolia, với “phyllofolia” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “lá” và “tổ”.
Sau một thời gian, nhóm nghiên cứu bắt đầu nhìn thấy những chú ếch nhỏ bên cạnh những quả trứng. Frederick giải thích: “Thông thường khi chúng tôi tìm kiếm ếch, chúng tôi sẽ tìm kiếm ở rìa bờ suối hoặc lội suối để phát hiện chúng trực tiếp trong nước. Tuy nhiên, sau nhiều lần theo dõi, chúng tôi bắt đầu phát hiện những con ếch đang ngồi trên lá và ôm lấy cái tổ nhỏ của chúng”.
Khi kiểm tra kỹ hơn, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng tất cả những con ếch đang canh những tổ trứng nằm ở độ cao 1-2m trên những con suối nhỏ và dốc, đều là con đực.
Nhà nghiên cứu Frederick nhận định: “Hành vi con đực bảo vệ trứng không hoàn toàn là chưa từng được biết đến ở loài ếch, nhưng nó khá hiếm gặp”.
Nhóm nghiên cứu cho biết họ tin rằng loài ếch này là một loài mới do một số đặc điểm khác biệt chính, bao gồm hành vi bảo vệ trứng và kích thước cơ thể nhỏ bé.
Ngoài ra, tiếng kêu của loài này cũng rất đặc trưng, bao gồm một chuỗi tiếng “click” nhanh, như tiếng kích chuột máy tính. Chúng cũng có lớp màng ngón giảm hơn so với các loài khác trong chi.
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng ngoài loài ếch nói trên, còn có nhiều loài ếch khác hiện sinh sống trên đảo Sulawesi vẫn chưa được khoa học đặt tên chính thức. Họ đề xuất cần nghiên cứu thực địa nhiều hơn để xác định đầy đủ tất cả các loài này và giúp bảo tồn môi trường sống của chúng.
“Phát hiện của chúng tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn những môi trường sống nhiệt đới rất đặc biệt này. Hầu hết các loài động vật sống ở những nơi như Sulawesi đều khá độc đáo và nạn phá hủy môi trường sống là một vấn đề luôn nhức nhối nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học của các loài tồn tại ở đó. Tìm hiểu về những loài động vật như những con ếch không được tìm thấy ở nơi nào khác trên Trái Đất giúp tạo cơ sở cho việc bảo vệ những hệ sinh thái có giá trị này”, Frederick kết luận.