Phát hiện kỳ nhông hang mù rời hang ở Italy

Những kỳ nhông hang mù không mắt ở Italy đã rời hang sâu để khám phá mặt nước, một hiện tượng bất ngờ.

Các nhà khoa học chưa bao giờ tưởng tượng rằng loài kỳ nhông hang mù rời hang sâu. Tuy nhiên, điều không tưởng đó đã được ghi nhận ở những dòng suối tại Italy.

Kỳ nhông hang mù ở miền Bắc Italy được phát hiện rời khỏi ngôi nhà dưới lòng đất của chúng để thực hiện chuyến thám hiểm lên mặt nước, theo New York Times.

Đột phá

Không có mắt và toàn thân nhợt nhạt ma quái sau hàng triệu năm sống dưới lòng đất, những con kỳ nhông hang mù dường như di chuyển qua lại trên mặt nước đầy nắng bằng cách sử dụng những dòng suối nơi nước sủi bọt từ độ sâu hàng chục mét.

Một con kỳ nhông nước trưởng thành hoạt động vào ban ngày tại suối ở Doberdò del Lago, Italy. (Ảnh: Matteo Riccardo Di Nicola).
Một con kỳ nhông nước trưởng thành hoạt động vào ban ngày tại suối ở Doberdò del Lago, Italy. (Ảnh: Matteo Riccardo Di Nicola).

Ông Raoul Manenti, giáo sư động vật học tại Đại học Milan (Italy), và các đồng nghiệp đã mô tả phát hiện bất ngờ này trong một nghiên cứu được công bố vào tháng trước trên tạp chí Ecology.

Kỳ nhông hang mù, một loài được gọi là olm – kỳ nhông nước – từng được cho là rồng con. Mặc dù ngày nay chúng ta đã xác định được chúng sẽ không mọc cánh nhưng kỳ nhông nước vẫn có vẻ ngoài gây liên tưởng tới những sinh vật thần thoại.

Chỉ dài bằng trái chuối, kỳ nhông nước có thân hình giống con lươn và đôi chân khẳng khiu. Phần mặt của chúng không có gì đặc biệt ngoại trừ chiếc vương miện mang màu hồng có diềm xếp nếp. Khi kỳ nhông nước nở, mắt của chúng nhanh chóng bị da bao phủ, khiến chúng bị mù.

Sinh vật này điều hướng thế giới tối mù của mình bằng cách cảm nhận những rung động, hóa chất trong nước và từ trường. Chúng có thể sống hơn một thế kỷ và nổi tiếng với khả năng tiết kiệm năng lượng (một con olm ở Balkan được ghi nhận đã không di chuyển trong 7 năm).

Qua nhiều thế kỷ, một số cá thể olm từng được tìm thấy trên mặt đất, nhưng các nhà khoa học cho rằng chúng là nạn nhân của lũ lụt. Loài sinh vật này có các bộ phận rất chuyên biệt cho cuộc sống dưới lòng đất. Các nhà khoa họ cho rằng chúng không thể tồn tại bên ngoài nơi cư ngụ trong hang động.

Để tìm thấy một con kỳ nhông nước, tiến sĩ Manenti và nhóm nghiên cứu của ông thường phải leo xuống những khe nước giống như giếng để đến các hang động, bao gồm cả vực thẳm Trebiciano, sâu bằng chiều cao của Tháp Eiffel. Nhưng vào năm 2020, một nhóm thám hiểm và chuyên gia sinh thái học, bao gồm cả tiến sĩ Manenti, đã phát hiện một con kỳ nhông nước đang bơi trong một con suối trên mặt đất.

Hình ảnh được chụp bằng
Hình ảnh được chụp bằng “bẫy ảnh” cho thấy một con kỳ nhông nước xuất hiện trên mặt nước ở Italy. (Ảnh: Raoul Manenti).

Veronica Zampieri, khi đó là sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Milan, đã bắt đầu theo dõi 69 dòng suối trên mặt đất trong khu vực. Cô rất ngạc nhiên khi tìm thấy olm ở 15 dòng suối trong số đó, ngay cả khi gần đây không có trận lũ lụt nào xảy ra. Một số suối thậm chí còn thường xuyên xuất hiện những con kỳ nhông nước như vậy.

Đáng kinh ngạc hơn nữa, Zampieri tìm thấy olm bơi trên mặt nước không chỉ vào ban đêm mà còn vào ban ngày. Cô cho biết dưới lòng đất, “olm mạnh bạo” là loài săn mồi đỉnh cao, nhưng trên mặt nước, thân hình trắng sáng và đặc tính mù của loài động vật này khiến chúng dễ dàng trở thành mục tiêu của những kẻ săn mồi.

Chúng đang làm gì?

Vậy những con kỳ nhông hang động này đang làm gì trên mặt nước? Tiến sĩ Manenti đã sử dụng một số phương pháp đặc thù ở sâu trong hang động để tìm ra manh mối.

Trong các cuộc khảo sát về quần thể, các nhà khoa học nhanh chóng vớt những các thể olm ra khỏi nước hang động để thu thập dữ liệu. Tiến sĩ Manenti cho biết đôi khi một con olm sẽ vô tình nuốt phải một ít không khí trong quá trình này. Sau khi được đưa trở lại mặt nước, một con olm đã nuốt không khí sẽ nổi trên mặt nước như một sợi phao bơi và không thể bơi bình thường.

“Lúc này cần làm cho chúng ợ hơi”, tiến sĩ Manenti nói. Bằng cách nhẹ nhàng “xoa bóp” phần bụng dài của chúng, các nhà nghiên cứu đã xử lý được vấn đề này.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng không chỉ “ợ hơi” thông thường. những con olm đôi khi phun ra “bữa ăn” gần đây mà các nhà khoa học xác định được là những mẩu giun đất rõ ràng không nằm trong hang sâu. Điều đó cho thấy có thể olm đã săn mồi khi ngoi lên mặt nước.

Tiến sĩ Manenti cho rằng sẽ rất tốn năng lượng để một con kỳ nhông nước có thể luồn lách lên xuống dòng nước suối, nhưng kết quả thu được có vẻ đáng kể. Trong khi những con kỳ nhông nước nhìn chung rất mảnh dẻ, thì ông Manenti và nhóm nghiên tìm được khi khảo sát trên mặt nước lại mập mạp khác thường.

Ảnh trái: Một con kỳ nhông nước được ghi nhận ở suối tại Sablici, gần đường cao tốc A4 ở khu đô thị Monfalcone (Italy). Ảnh phải: Đầu và chân trước của kỳ nhông nước. (Ảnh: Raoul Manenti).
Ảnh trái: Một con kỳ nhông nước được ghi nhận ở suối tại Sablici, gần đường cao tốc A4 ở khu đô thị Monfalcone (Italy). Ảnh phải: Đầu và chân trước của kỳ nhông nước. (Ảnh: Raoul Manenti).

Ông Danté Fenolio, một nhà sinh thái học tại Vườn thú San Antonio, người đã nghiên cứu các loài kỳ nhông sống trong hang động ở Bắc Mỹ trong hơn ba thập kỷ, nói rằng phát hiện của nhóm chuyên gia Italy “thách thức những giả định từ những gì đã ghi nhận ở Bắc Mỹ”. Ông cho rằng điều đó có thể khơi gợi cảm hứng cho các nghiên cứu sâu hơn về kỳ nhông hang động ở Mỹ.

Cô Zampieri nói rằng khám phá mới về kỳ nhông nước đã làm nổi bật tầm quan trọng sinh thái của những nơi như suối, nơi kết nối hai thế giới khác nhau.

Đối với tiến sĩ Manenti, mối liên hệ đó rõ ràng nhất vào một buổi chiều năm 2022. Sử dụng chiếc hộp đựng cá thu từ bữa trưa của mình, ông cẩn thận vớt một sinh vật nhỏ xíu từ con suối gần đường cao tốc. Đó là con olm nhỏ nhất từng được phát hiện trên thực địa. Dựa trên ước tính từ những con kỳ nhông nước được nuôi nhốt, có lẽ con vật này mới chỉ ba tháng tuổi trong vòng đời hàng trăm năm của nó, cho thấy những con olm không chỉ di chuyển đến các con suối mà chúng còn có thể sinh sản ở đó.

“Ranh giới giữa lòng đất và mặt nước là do con người chúng ta đặt ra. Rõ ràng là chúng ta đã quên ‘dặn dò’ những con olm”, tiến sĩ Manenti hài hước.

Team Tế Bào Vui
Team Tế Bào Vui
Bài viết: 415