Kỳ lạ thói quen 3000 năm của rùa xanh

Rùa xanh tiếp tục thăm lại thảm cỏ biển, duy trì thói quen lịch sử 3000 năm qua thời gian.

Một nghiên cứu cho thấy loài đồi mồi dứa lưu giữ thói quen 3.000 năm tuổi.

Khó có thể so bì thói quen dậy sớm tập thể dục của bạn với loài đồi mồi dứa Địa Trung Hải. Trong một nghiên cứu xuất bản hồi năm ngoái, các nhà khoa học phát hiện ra những đàn rùa xanh tiếp tục thăm lại những thảm cỏ biển như cách chúng đã làm 3.000 năm về trước.

Theo các tác giả, kết quả thí nghiệm nhấn mạnh tầm quan trọng của những bãi biển không được bảo vệ tại miền Bắc Phi, đồng thời tận dụng lịch sử dày của loài rùa biển như ngọn hải đăng dẫn lối nỗ lực bảo tồn.

“Quả thực rất, rất thú vị”, Cyler Conrad, một nhà khoa học môi trường tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương, người không tham gia vào nghiên cứu, nhận di. Theo ông, rất ít nghiên cứu có thể thành công trong việc truy tìm mối liên hệ cổ đại như vậy giữa sinh vật và môi trường sống của chúng.

Một cá thể đồi mồi dứa ngoài khơi Địa Trung Hải.
Một cá thể đồi mồi dứa ngoài khơi Địa Trung Hải.

Rùa biển là loài động vật ưa thích thói quen: đồi mồi dứa, hay còn gọi là rùa biển xanh (danh pháp: Chelonia mydas) luôn đẻ trứng tại nơi mà chúng nở ra. Bên cạnh đó, chúng cũng có thói quen quay trở lại những địa điểm rất cụ thể, ví dụ như một thảm cỏ biển có diện tích không quá 50 mét vuông. Chúng lặn lội về đây chỉ để tìm tới nơi “bán” món ăn yêu thích.

“Chúng thực sự có cho mình những mảng cỏ nhỏ nhắn”, bà Annette Broderick, giáo sư bảo tồn biển công tác tại Đại học Exeter, nhận định. “Cũng hợp lý thôi – nếu bạn tìm thấy một nơi chốn hợp với mình, bạn sẽ tiếp tục quay trở lại đó”.

Trong nghiên cứu mới, Broderick và những người khác đã phát hiện ra rằng thói quen này tồn tại lâu hơn cả cuộc đời của một cá thể rùa, và bằng chứng cho điều đó đến từ … thùng rác.

Rùa biển đã là một đặc sản suốt hàng ngàn năm nay tại miền Địa Trung Hải, và các bãi rác cổ đại chất đầy xương và mai rùa bị bỏ lại từ những bữa ăn xưa kia. Phối hợp với Hội Bảo vệ Rùa Bắc Cyprus, các nhà nghiên cứu đã thu thập xương rùa biển tìm thấy tại ba địa điểm thời đại đồ đồng và đồ sắt, có niên đại trong khoảng từ 2700 đến 4700 năm trước. Họ xác định thành công loài rùa từ protein trong các mẫu xương thu được.

Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy cỏ biển từng khu vực sẽ mang những dấu hiệu hóa học đặc trưng. Qua đó các nhà khoa học có thể xác định rùa đã tiêu thụ cỏ của vùng biển nào.

Đồi mồi dứa tại biển Hawaii.
Đồi mồi dứa tại biển Hawaii.

Các nhà khoa học đã lấy mẫu xương để đo lường thành phần hóa học trong đó, điều chỉnh sao cho phù hợp với những thay đổi của bầu khí quyển trong vài nghìn năm qua. Họ dựng một mô hình mô phỏng quá trình sinh trưởng của cỏ và xem chúng khớp với những mẫu xương rùa thuộc thời kỳ nào.

Kết quả cho thấy: đồi mồi dứa thời kỳ đồ sắt cũng ăn cỏ giống với rùa hiện đại; hậu duệ của những con rùa xưa kia vẫn “nhớ” quán quen và quay lại đời đời. Báo cáo nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí PNAS hồi năm ngoái.

“Tôi thực sự bất ngờ”, Willemien de Kock, tác giả chính của nghiên cứu và là một nhà nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Viện Khảo cổ học Groningen, chia sẻ. “Chúng tôi có thể nhìn xa vào quá khứ, và nhận thấy hành vi tương tự trên các cá thể rùa”. Nghiên cứu cho thấy động vật cũng có truyền thống, cô nói. “Câu hỏi đặt ra là, điều gì sẽ xảy ra nếu những khu vực này biến mất?”

Hầu hết các nỗ lực bảo tồn đều tập trung vào nơi rùa biển sinh sản, các tác giả của nghiên cứu lưu ý. “Chúng ta thấy những chú rùa con và chúng ta nói, được rồi, chúng ta cần phải bảo vệ chúng”, Alberto Taurozzi, đồng tác giả của nghiên cứu và là nhà cổ sinh vật học tại Đại học Copenhagen, nhận định. Nhưng rùa chỉ sinh sản một lần mỗi vài năm. Chúng dành phần lớn cuộc đời mình ở những thảm thực vật dưới nước, những địa điểm thường bị bỏ quên quanh bờ biển Bắc Phi.

Cô de Koch nhấn mạnh, rằng mối quan hệ giữa rùa và cỏ là đường hai chiều; rùa gặm cỏ, mà cỏ cần rùa để có thể xanh tốt lâu dài.

Những thảm cỏ dưới đại dương là nơi trú ngụ của đa dạng các loài sinh vật.
Những thảm cỏ dưới đại dương là nơi trú ngụ của đa dạng các loài sinh vật.

Cô nói thêm, biến đổi khí hậu đang đe dọa tương lai của những thảm cỏ này, bởi lẽ chúng không kịp phục hồi sau những đợt nắng nóng kỷ lục. Tất cả các khu vực được nghiên cứu đều đang không được bảo vệ bởi các tổ chức có thẩm quyền.

Nếu không được bảo tồn, đồi mồi dứa có thể cần tìm địa điểm kiếm ăn mới. Mất đi những bãi cỏ biển này cũng có thể ảnh hưởng đến một loạt các loài khác, làm quá trình chống biến đổi khí hậu thêm phức tạp.

Theo nhà nghiên cứu Conrad, một nghiên cứu lịch sử, liên ngành như vậy mang ý nghĩa lớn với công tác bảo tồn. Sự kết hợp của hóa học cổ đại và kỹ thuật vệ tinh hiện đại có thể được ứng dụng trong nghiên cứu những loài động vật biển khác như cá và cá voi, ông nói. “Chúng ta có một số trách nhiệm kể câu chuyện của chúng một cách rõ ràng hơn, đầy đủ hơn cho phần còn lại của thế giới”.

Team Tế Bào Vui
Team Tế Bào Vui
Bài viết: 407