Khoảnh khắc hải cẩu xám phòng vệ trước đại bàng

Hải cẩu xám thể hiện hành vi tự vệ độc đáo khi phun nước vào đại bàng đuôi trắng.

Lần đầu tiên các nhà khoa học chứng kiến hải cẩu xám tấn công đại bàng sà xuống từ không trung bằng cách phun nước vào kẻ thù.

Tương tác chưa từng thấy giữa hải cẩu xám và đại bàng đuôi trắng. (Ảnh: Clare Jacobs)
Tương tác chưa từng thấy giữa hải cẩu xám và đại bàng đuôi trắng. (Ảnh: Clare Jacobs)

Một nghiên cứu từ Đại học Portsmouth ở Anh công bố trên tạp chí của Hiệp hội khảo cổ và lịch sử tự nhiên đảo Wight mô tả chi tiết sự kiện xảy ra ở cảng Newtown, Newsweek hôm 7/3 đưa tin. Một cư dân tên Clare Jacobs chụp bức ảnh ghi lại khoảnh khắc đại bàng đuôi trắng sà xuống mặt nước khi thủy triều dâng cao. Đột nhiên, con hải cẩu xám nhảy lên từ mặt biển và phun thẳng dòng nước vào con chim săn mồi. Loại hành vi tự vệ này chưa bao giờ được chứng kiến hay ghi nhận trước đây.

Theo nghiên cứu, hải cẩu xám trước đó từng sủa cảnh cáo đại bàng. Nhưng con chim phớt lờ và vẫn lao xuống nước. Kết quả là các nhà khoa học có cơ hội tìm hiểu thêm về hai loài động vật ăn thịt và cách chúng tương tác.

Đại bàng đuôi trắng từng tuyệt chủng trên đảo Wight vào thế kỷ 18 nhưng được tái giới thiệu năm 2019 và phát triển trở lại. Hải cẩu xám và đại bàng đuôi trắng thường xuất hiện ở đảo Wight, nhưng đây là lần đầu tiên tương tác giữa hai loài được quan sát trực tiếp, theo Megan Jacobs, nhà cổ sinh vật học ở Trường môi trường, địa lý và địa khoa học thuộc Đại học Portsmouth.

Hải cẩu phun nước như một biện pháp tự vệ hoặc ngăn chặn kẻ thù trên không. Đó cũng có thể là cách nó xua đuổi đại bàng đuôi trắng tranh giành con mồi như cá. “Tương tác này thách thức hiểu biết hiện nay của chúng ta về cơ chế tự vệ ở động vật. Tôi rất kích động khi xem bức ảnh bởi hành động phun nước thường chỉ gặp ở con người, lạc đà cũng như một số loại rắn có nọc độc, hay cá mang rỗ bắt mồi”, Megan nói.

Team Tế Bào Vui
Team Tế Bào Vui
Bài viết: 400