Khám phá về loài rắn lục chúa lành tính tại Việt Nam

Rắn lục chúa là loài rắn đặc hữu ở Đông Nam Á, được biết đến là loài lành tính dù có vẻ ngoài giống rắn độc.

Tại Việt Nam có một loài rắn mang tên gọi đáng sợ và sở hữu vẻ bề ngoài giống hệt rắn độc, nhưng thực chất đây là một loài rắn lành tính và hoàn toàn vô hại. Đó là loài rắn gì?

Lục chúa – Loài rắn có tên gọi đáng sợ

Loài rắn được đề cập ở trên là rắn lục chúa (tên khoa học Gonyosoma Oxycephalum), còn có tên thanh xà đuôi đỏ, rắn chuột xanh…. Đây là một loài rắn đặc hữu ở khu vực Đông Nam Á, phân bố tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Brunei, Myanmar, Philippines, Singapore và Thái Lan.

Rắn lục chúa sở hữu thân hình màu xanh, đuôi đỏ khiến nhiều người lầm tưởng đây là loài rắn lục cực độc (Ảnh: iStock).
Rắn lục chúa sở hữu thân hình màu xanh, đuôi đỏ khiến nhiều người lầm tưởng đây là loài rắn lục cực độc (Ảnh: iStock).

Tại Việt Nam, rắn lục chúa phân bố từ khu vực Bắc Trung Bộ trở vào miền Nam. Loài rắn này thường sống trên cây cao và trong những hốc cây, luôn tìm cách lẩn trốn con người nên rất khó bắt gặp.

Thức ăn yêu thích của lục chúa là các loài động vật sống trên cây như chim, trứng chim, thằn lằn, dơi… ngoài ra, loài rắn này cũng có thể ăn thịt chuột và một số loài động vật gặm nhấm.

Rắn lục chúa thường sống trên cây và luôn tìm cách lẩn trốn con người (Ảnh: Animalia).
Rắn lục chúa thường sống trên cây và luôn tìm cách lẩn trốn con người (Ảnh: Animalia).

Rắn lục chúa là một loài rắn có kích thước lớn. Những cá thể cái trưởng thành có thể đạt được chiều dài lên đến 2,4m, trong khi những con đực có kích thước nhỏ hơn đôi chút. Khi gặp nguy hiểm, loài rắn này có thể ngóc đầu lên và làm phình phần cổ để đe dọa kẻ thù.

Tư thế tự vệ của rắn lục chúa (Ảnh: AZAnimals).
Tư thế tự vệ của rắn lục chúa (Ảnh: AZAnimals).

Sở dĩ nói rắn lục chúa mang tên đáng sợ vì tên gọi của nó là sự kết hợp giữa rắn lục và hổ chúa, 2 loài rắn sở hữu nọc độc nguy hiểm chết người.

Lục chúa – Loài rắn thường bị nhầm lẫn với rắn lục đuôi đỏ cực độc

Không chỉ mang tên gọi đáng sợ, loài rắn lục chúa cũng sở hữu vẻ ngoài rất giống với lục đuôi đỏ, loài rắn sở hữu nọc độc nguy hiểm. Điều này khiến rắn lục chúa thường bị “chết oan” khi con người bắt gặp vì nhiều người tưởng nhầm rằng đây là loài rắn độc.

Rắn lục chúa có đầu và thân không phân biệt rõ ràng (Ảnh: Animalia).
Rắn lục chúa có đầu và thân không phân biệt rõ ràng (Ảnh: Animalia).
Trong khi rắn lục đuôi đỏ có phần đầu tam giác và phân biệt rõ với cổ (Ảnh: SIFASV).
Trong khi rắn lục đuôi đỏ có phần đầu tam giác và phân biệt rõ với cổ (Ảnh: SIFASV).

Rắn lục chúa có phần thân màu xanh lục vào phần chóp đuôi vào một dải màu đỏ hoặc nâu kéo dài, đây là những đặc điểm quen thuộc của loài rắn lục đuôi đỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, rắn lục chúa và lục đuôi đỏ là 2 loài khác nhau, không liên quan gì đến nhau.

Để phân biệt rắn lục chúa và lục đuôi đỏ, chúng ta dựa vào kích thước và hình dáng của đầu. Rắn lục chúa có kích thước lớn hơn rất nhiều so với rắn lục đuôi đỏ, đồng thời rắn lục chúa có đầu không phân biệt rõ với phần cổ. Trong khi đó, rắn lục đuôi đỏ nhỏ và ngắn hơn rắn lục chúa, sở hữu phần đầu hình tam giác và phân biệt rất rõ so với phần cổ.

Một đặc điểm để nhận dạng của lục chúa đó là loài rắn này sở hữu chiếc lưỡi màu xanh lam khá ấn tượng.

Rắn lục chúa có độc và nguy hiểm cho con người hay không?

Dù có kích thước to lớn và vẻ ngoài giống rắn độc, thực tế lục chúa là loài thuộc họ rắn nước và không sở hữu nọc độc. Như trên đã đề cập, lục chúa là loài rắn rất nhút nhát, luôn tìm cách lẩn trốn con người nên những cuộc đụng độ giữa loài rắn này và con người không thường xuyên xảy ra, bất chấp việc lục chúa có phạm vi phân bố rộng.

Rắn lục chúa sở hữu chiếc lưỡi màu xanh lam độc đáo (Ảnh: AZAnimals).
Rắn lục chúa sở hữu chiếc lưỡi màu xanh lam độc đáo (Ảnh: AZAnimals).

Do loài rắn này vô hại và sở hữu màu sắc bắt mắt, lục chúa đã trở thành thú nuôi của không ít người yêu thích rắn và bò sát. Trong môi trường nuôi nhốt, rắn lục chúa có thể cảm thấy căng thẳng, khiến chúng trở nên hung dữ và tính khí trở nên thất thường hơn. Rắn lục chúa có thể tấn công con người trong điều kiện nuôi nhốt.

Rắn lục chúa được nhiều người chọn làm vật nuôi (Ảnh: Getty).
Rắn lục chúa được nhiều người chọn làm vật nuôi (Ảnh: Getty).

Vết cắn của rắn lục chúa không gây nguy hiểm cho con người, nhưng vết cắn này có thể dẫn đến nhiễm trùng do miệng của các loài rắn nói chung đều chứa nhiều vi khuẩn. Nếu bị rắn lục chúa cắn, hãy rửa và sát trùng vết thương thật kỹ để tránh bị nhiễm trùng.

Team Tế Bào Vui
Team Tế Bào Vui
Bài viết: 383