Khám phá thằn lằn ngón mới ở Lào Cai

Loài thằn lằn ngón Luc mới được phát hiện ở Lào Cai, làm giàu đa dạng sinh học Việt Nam.

Thằn lằn chân ngón mới có những nốt sần màu vàng rải rác trên lưng và các chi, các ngón ở mỗi chi uốn cong ở đoạn giữa.

Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các cộng sự phát hiện loài thằn lằn ngón mới, hiện mới chỉ ghi nhận ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Loài này thuộc giống Cyrtodactylus, là loài thứ 53 của giống Thạch sùng ngón được ghi nhận ở Việt Nam. Công trình vừa được công bố trên tạp chí Zookeys.

Các nhà khoa học đặt tên cho loài mới là thằn lằn ngón Luc (Cyrtodactylus luci), theo tên PGS.TS Phạm Văn Lực, nguyên Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, một nhà động vật học có đóng góp lớn trong nghiên cứu về đa dạng sinh học ở Việt Nam. Đáng chú ý đây là loài thạch sùng ngón đầu tiên được ghi nhận phân bố ở tỉnh Lào Cai.

Một cá thể thằn lằn ngón Luc đực được ghi nhận trong tự nhiên. (Ảnh:Nhóm nghiên cứu).
Một cá thể thằn lằn ngón Luc đực được ghi nhận trong tự nhiên. (Ảnh:Nhóm nghiên cứu).

Thằn lằn chân ngón Luc có kích thước khoảng 89,5 mm, mắt màu đồng với những đốm rìa màu vàng như mí mắt cùng hàng nốt sần quanh giữa thân. Mặt trên lưng, gáy và mặt trên đầu có các đốm nâu sẫm. Phân tích DNA cho thấy loài mới có ít nhất 9% sự khác biệt di truyền so với các loài thằn lằn chân ngón khác.

GS.TS Nguyễn Quảng Trường, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, loài thằn lằn ngón được phát hiện trong quá trình khảo sát thực địa động vật hoang dã tại rừng núi đá vôi của tỉnh Lào Cai. Loài mới được xác định dựa vào những khác biệt về đặc điểm hình thái và di truyền so với các loài khác trong giống Cyrtodactylus ở Việt Nam và trên thế giới.

Ông cho biết, tập tính của các loài thằn lằn ngón hoạt động vào ban đêm, thường bám trên vách đá hoặc trên cây. Do đó các nhà khoa học tiến hành chuyến khảo sát vào đêm tối trong rừng để thu thập mẫu vật phục vụ phân tích, nghiên cứu.

Các con thằn lằn chân ngón Luc thường sống ở khu rừng núi đá vôi thứ sinh gồm các loại cây gỗ cứng vừa và nhỏ, xen lẫn với cây bụi và dây leo.

Thằn lằn ngón có 12-15 vảy lớn ở mặt dưới của mỗi đùi, trong đó 9-12 lỗ đùi ở con đực và 5-10 lỗ đùi ở con cái, trong ảnh là một cá thể cái. (Ảnh:Nhóm nghiên cứu).
Thằn lằn ngón có 12-15 vảy lớn ở mặt dưới của mỗi đùi, trong đó 9-12 lỗ đùi ở con đực và 5-10 lỗ đùi ở con cái, trong ảnh là một cá thể cái. (Ảnh:Nhóm nghiên cứu).
Loài thằn lằn mới sinh sống trên vách đá hoặc trên cây, hoạt động vào ban đêm. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu).
Loài thằn lằn mới sinh sống trên vách đá hoặc trên cây, hoạt động vào ban đêm. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu).

Theo GS Trường, việc phát hiện và công bố loài mới là bước đầu tiên để giới thiệu về tiềm năng đa dạng sinh học của Việt Nam và bổ sung thông tin khoa học về các loài sinh vật. Nhóm nghiên cứu tiếp tục đánh giá tình trạng quần thể, ghi nhận bổ sung vùng phân bố của loài này ở các khu vực lân cận, nghiên cứu về đặc điểm sinh học, sinh thái.

“Nghiên cứu giúp đánh giá tình trạng bảo tồn của loài để phân hạng trong Sách Đỏ Việt Nam hay Danh lục Đỏ của IUCN nhằm đề xuất những giải pháp bảo tồn loài một cách hiệu quả”, ông cho hay.

Team Tế Bào Vui
Team Tế Bào Vui
Bài viết: 383