Theo phóng viên tại châu Phi, một nghiên cứu mới được công bố gần đây đã làm sáng tỏ lịch sử tiến hóa của loài báo châu Phi (Panthera pardus pardus).
Trên lục địa Phi hiện nay có 2 quần thể báo hoa mai riêng biệt về mặt di truyền, trong đó một quần thể được tìm thấy trên hầu hết lục địa châu Phi và quần thể còn lại chủ yếu sinh sống ở các vùng Western Cape, Eastern Cape, KwaZulu-Natal và Mpumalanga của Nam Phi.
Nghiên cứu do các nhà nghiên cứu Australia thực hiện cho rằng những quần thể báo hoa mai này đã bị tách biệt khoảng 960.000-440.000 năm trước.
Declan Morris, người đã nghiên cứu loài báo hoa mai ở Nam Phi trong quá trình làm luận án tiến sỹ tại Đại học Adelaide, cho biết họ đã biên soạn bộ dữ liệu ADN ty thể (mtDNA) của báo hoa mai toàn diện nhất cho đến nay.
ADN ty thể chỉ được truyền từ mẹ sang con. Bằng cách lập bản đồ phân bố của 2 loài trên khắp châu Phi hiện nay và lập mô hình tỷ lệ đột biến đã biết của gene NADH-5, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng thời điểm xảy ra sự phân kỳ di truyền trùng hợp với chu kỳ khô cằn của lưu vực Limpopo.
Từ 1 triệu đến 600.000 năm trước, lưu vực Limpopo, nằm ở giao lộ giữa Nam Phi, Botswana, Zimbabwe và Mozambique, đã trở thành một sa mạc khô cằn ngăn cách 2 quần thể báo hoa mai.
Đến nay, 2 quần thể này vẫn bị ngăn cách bởi sa mạc Namibia và Kalahari như từ hàng triệu năm trước, nhưng khu vực đã thay đổi theo thời gian là lưu vực Limpopo.
Hiện tại, lưu vực này đã trở thành một khu vực cận nhiệt đới, nơi 2 quần thể đã kết hợp lại và tái hòa nhập, dẫn đến mức độ đa dạng di truyền cao.
Những hiểu biết mới có thể hỗ trợ thêm cho công tác bảo tồn loài báo châu Phi hiện nay.
Ông Morris cho biết các thông tin này có thể được sử dụng để đưa ra các quyết định về quản lý động vật hoang dã.