Gấu trúc đỏ là loài nổi tiếng khó sinh sản và đang có nguy cơ tuyệt chủng. Hai năm qua, ở Úc chưa có cặp gấu trúc nào sinh con thành công.
Theo ABC News, một chú gấu trúc đỏ sơ sinh vừa chào đời tại công viên động vật hoang dã Altina, phía tây thành phố Wagga Wagga, bang NSW. Các nhân viên vườn thú cho biết đây là gấu trúc đỏ con đầu tiên chào đời ở Úc trong 2 năm qua.
Cô Rebecca Surian – người quản lý động vật và điều hành tại công viên Altina – cho biết gấu trúc đỏ thường nhạy cảm trong quá trình giao phối và dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài khiến loài này khó sinh sản. Do vậy, sự ra đời của gấu trúc con là điều đặc biệt bất ngờ.
Cô cho biết đây là lần đầu tiên gấu trúc mẹ, tên là Rani, sinh gấu trúc con khi 9 tuổi và là một tin mừng cho một loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.
“Chúng tôi vô cùng phấn khích với bé gấu con mới này… Chúng tôi chưa từng nhân giống gấu trúc đỏ, và mới chỉ nuôi loài này được 1 năm”, cô chia sẻ.
Cô miêu tả gấu trúc con, hiện chưa được đặt tên, gần như ngủ suốt ngày và khi tỉnh thường “rít nhẹ” như một con mèo con.
Vào giữa tháng 12 năm ngoái, công viên động vật hoang dã Altina cũng chào đón sự ra đời của 3 con vượn cáo lông xù màu đen – trắng, cũng là loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Nói về nỗ lực bảo tồn các loài của vườn thú, cô Surian nói họ chỉ đơn giản để mọi thứ thuận theo tự nhiên.
“Chúng tôi không can thiệp trừ khi thực sự cần thiết… Chúng tôi để mọi thứ diễn ra tự nhiên”, cô nói với ABC News.
Gấu trúc đỏ nguy cơ tuyệt chủngGấu trúc đỏ có tên trong danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng của Tổ chức Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).Chúng được coi là đã trưởng thành hoàn toàn trong khoảng từ 18-24 tháng tuổi và sống trung bình khoảng 10 năm tuổi trong môi trường tự nhiên, hoặc thậm chí có thể sống tới 23 năm. Theo TTXVN, nỗ lực bảo tồn gấu trúc đỏ thực sự gặp khó khăn khi các vườn thú đều chứng kiến loài này gặp khó trong việc sinh sản.Là loài động vật có vú nhỏ có nguồn gốc từ phía đông dãy Himalaya và tây nam Trung Quốc, gấu trúc đỏ hiện đang bị suy giảm số lượng do hoạt động buôn bán bất hợp pháp, mất môi trường sống, săn trộm và phá rừng. Hiện tại, trên thế giới chỉ còn chưa tới 10.000 con.