Một cây rata phương bắc khác thường trông giống như đang sải bước qua cánh đồng được bầu chọn là Cây của năm ở New Zealand.
Cây rata khổng lồ có bộ rễ và cành dài chĩa ra hai bên ở gần gốc nên có biệt danh “cây biết đi”. Nó nằm đơn độc giữa bãi đất trống cạnh nghĩa trang gần thị trấn Karamea ở vùng ven biển phía tây Đảo Nam. Thân cây cao khoảng 32 m, tương đương chiều cao của một tòa nhà 7 tầng, theo Cơ quan đăng ký cây New Zealand. Cây cổ thụ kỳ lạ này đã tồn tại suốt nhiều thế kỷ. Cây rata phương bắc (Metrosideros robusta) là một trong những loài cây ra hoa cao nhất New Zealand, có thể sống tới 1.000 năm.
“Cây biết đi” chiến thắng trong giải Cây của năm năm 2024 của Hiệp hội trồng cây New Zealand (NZ Arb) với 42% số phiếu bầu chọn từ cộng đồng. Theo chủ tịch NZ Arb là Richie Hill, “cây biết đi” là một ví dụ chủ chốt và xuất sắc về những loài cây đặc biệt mà người dân New Zealander may mắn có cơ hội chiêm ngưỡng.
Các chuyên gia không biết chính xác “cây biết đi” bao nhiêu tuổi, nhưng những nhà tổ chức giải thưởng nhấn mạnh đây là cây duy nhất còn sót lại của khu rừng bị chặt phá cách đây khoảng 150 năm.
Cây rata phương bắc là thực vật biểu sinh, loại cây bắt đầu sự sống trên bề mặt của cây chủ trước khi rễ mọc đủ dài để chạm tới mặt đất. “Cây biết đi” nhiều khả năng bắt đầu sự sống trên tán cây chủ, tồn tại nhờ không khí và nước mưa trước khi vươn đến mặt đất. Bộ rễ khác thường của nó nhiều khả năng là kết quả từ quá trình phát triển quanh cây chủ có thể đã chết từ nhiều thế kỷ trước.
Cây rata phương bắc là loài đặc hữu ở New Zealand và từng nằm trong số những loài cây phổ biến nhất trong các khu rừng ở nước này. Tuy nhiên, phạm vi phân bố của chúng giảm dần trong vài thập kỷ qua và hiện nay nằm trong danh mục dễ tổn thương, theo Mạng lưới bảo tồn thực vật New Zealand. Ngoài nạn chặt phá rừng, những mối đe dọa lớn đối với cây ratar phương bắc là thú possum đuôi cọ (Trichosurus vulpecula) chuyên ăn lá và rễ cây và nấm Austropuccinia psidii gây bệnh có xuất xứ từ Nam Mỹ, được phát hiện lần đầu tiên ở New Zealand năm 2017.