Cá mù hay còn gọi là lươn nhớt sống ở đáy biển cách mặt nước hơn 90 m, chuyên ăn xác động vật và tự vệ bằng cách sử dụng chất nhầy gây ngạt.
Cá mù Thái Bình Dương có tên khoa học là Eptatretus stoutii, chuyên sống ở đáy biển lạnh lẽo trên khắp thế giới. Chúng ăn động vật không xương sống nhỏ và xác các loài rơi xuống tầng đáy, theo Live Science.
Thoạt nhìn, loài cá nguyên thủy này rất ấn tượng bởi hình dáng khác thường. Do không có vây hoặc vảy, cá mù màu xám hồng trông như giun đất khổng lồ sở hữu những chiếc răng nhọn trong vòm miệng. Đây là động vật cổ đại đã tồn tại trên Trái đất hơn 500 triệu năm và có thể dài tới 64 cm. Dù giống lươn, chúng thuộc nhóm cá miệng tròn và có họ hàng với cá mút đá. Cá mù có hộp sọ nhưng không có hàm răng.
Khi bị tấn công, cá mù để lộ đặc điểm ấn tượng nhất là chất nhầy có thể hạ gục cá mập. Nếu có động vật ăn thịt đến gần, cá mù phun ra chất nhầy dính làm nghẽn mang của kẻ tấn công. “Chúng tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ động vật ăn thịt thở bằng mang nào săn thành công cá mù”, Tim Winegard, người nghiên cứu cá mù từ khi là sinh viên ở Đại học Chapman, California, cho biết. Một con cá mù có tuyến đặc biệt chứa những sợi chất nhầy và có thể lưu trữ khoảng 96 cm sợi trong mỗi mm2 da.
Trong một tai nạn giao thông năm 2017, khi xe tải chở đầy cá mù trên đường tới Hàn Quốc, nơi loài cá này được xem như đặc sản, bị lật ở đường cao tốc Oregon, cả con đường bị bao phủ bởi chất nhầy. “Chúng dùng chất nhầy như cách tự vệ chống lại động vật ăn thịt nhưng cũng phun ra khi bị căng thẳng như rơi xuống đường cao tốc”, Douglas Fudge, nhà sinh vật học ở Đại học Chapman, California, giải thích.
Cá mù là động vật ăn xác thối, chuyên ăn xác cá voi và mô phân hủy từ động vật khác chìm xuống đáy biển, giúp làm sạch hệ sinh thái và tuần hoàn dưỡng chất dưới biển sâu. Chúng có thị lực kém nên dựa vào khứu giác cực nhạy để tìm thức ăn. Bốn xúc tu quanh miệng giúp chúng tìm con mồi trong khi hai cặp phần phụ giống răng ở lưỡi xé nhỏ và đưa thức ăn vào miệng.