Giống hệt một bông hoa tuyệt đẹp, kể cả hiệu ứng rung rinh như cánh hoa trong gió, bọ ngựa phong lan thực sự là một sát thủ “khát máu” với chiến thuật săn mồi tinh vi một cách tàn nhẫn.
Với vẻ bề ngoài y hệt một bông hoa phong lan yêu kiều, xinh đẹp nhưng thực chất lại là một kẻ săn mồi “khát máu,” bọ ngựa phong lan (tên khoa học là Hymenopus coronatus), được coi là bậc thầy ngụy trang trong thế giới tự nhiên, khiến các nhà khoa học và những người sưu tầm côn trùng hứng thú.
Loài côn trùng độc đáo này sinh sống chủ yếu tại các khu rừng mưa ở Thái Lan, Maylaysia, Indonesia, Ấn Độ, Singapore và Việt Nam.
Trông giống như một bông hoa phong lan
Mặc dù không hề sống trên hoa phong lan nhưng loài bọ ngựa này có hình thức giống y như một bông hoa phong lan với chiến thuật bắt chước ngoạn mục.
Ngoại trừ cặp chi trước có răng cưa giống như các loài bọ ngựa khác dùng để kẹp giữ con mồi, Hymenopus coronatus với màu trắng phớt hồng đã phát triển chiếc bụng rộng và 4 thùy đùi chi sau thành hình các cánh hoa, khiến những kẻ săn mồi và cả con mồi của chúng đều hoàn toàn lầm tưởng.
Kích thước của chúng thậm chí cũng tương đương những bông hoa thật với con cái trưởng thành dài khoảng 6-7cm, trong khi con đực chỉ dài khoảng 2,5cm.
Ấn tượng nhất là bọ ngựa có thể thay đổi màu sắc tùy theo ánh sáng hoặc nhiệt độ, khiến nó không chỉ giống hoa phong lan nói chung mà còn giống hệt những loài phong lan cụ thể mà nó sống gần đó.
Các nhà khoa học ghi nhận bọ ngựa phong lan có hơn 90 dạng hoa văn mà tông màu khác nhau, phụ thuộc vào loài lan chúng chọn để sinh sống.
Khi chúng đậu vào cành lan, thậm chí cơ thể của chúng cũng có hiệu ứng rung rinh như cánh hoa trong gió.
Điều thú vị là những chú bọ ngựa cải trang này còn thu hút nhiều côn trùng đến thụ phấn hơn cả hoa thật.
Sống như một loài phong lan
Bọ ngựa phong lan không chỉ trông giống một loài phong lan mà về nhiều mặt, nó cũng sống giống như loài phong lan.
Trong những cánh rừng mưa, loài côn trùng này được tìm thấy trong bụi rậm và trên cây – những nơi mà lan biểu sinh mọc lên (thực vật biểu sinh là thực vật phát triển vô hại trên các cây khác).
Bọ ngựa phong lan thậm chí cũng thích thời tiết giống như hoa lan với nhiệt độ ban ngày từ 25-29 độ C và nhiệt độ ban đêm là 17-18 độ C. Nó cũng ưa thích độ ẩm cao, lý tưởng nhất là độ ẩm 60-70%.
Săn mồi
Thay vì đi tìm mồi, loài bọ ngựa này bất động hàng giờ trên cành lan, chờ con mồi bay đến để tóm gọn bằng đôi càng sắc bén và tốc độ nhanh như chớp.
Bọ ngựa phong lan là loài rất hiếu sát, chúng sẵn sàng tấn công tất cả các đối tượng chuyển động lọt vào tầm nhìn của mình.
Thức ăn của chúng là các loài côn trùng, đặc biệt là ong, bướm, những đối tượng thường tìm đến hoa để hút mật. Chúng cũng ăn thịt cả bọ cánh cứng hay thậm chí là bọ cạp, ếch và thằn lằn nhỏ.
Những phát hiện bất ngờ
Khi nghiên cứu về sự tiến hóa của bọ ngựa phong lan, các nhà khoa học Mỹ phát hiện chúng có một số thủ thuật gây bất ngờ.
Kể từ khi được phát hiện cách đây hơn 100 năm, người ta cho rằng những con bọ ngựa phong lan này đã tiến hóa thành màu trắng hồng xinh đẹp và những chiếc chân rộng phẳng giống cánh hoa phong lan như một hình thức ngụy trang để bảo vệ bản thân khỏi những kẻ săn mồi và khiến con mồi của chúng bối rối để lén lút tấn công.
Đây là kiểu tiến hóa cải trang được sử dụng cho mục đích phòng thủ hoặc tấn công. Các loài côn trùng khác, chẳng hạn như châu chấu katydid, cũng cải trang cơ thể y như một chiếc lá khô để lẫn vào cành lá.
Tuy nhiên, vào năm 2014, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm thực địa một cách có hệ thống để xem bọ ngựa phong lan cái trưởng thành hoạt động như thế nào và phát hiện kiểu tiến hóa bắt chước của chúng là dạng bắt chước gây hấn, không chỉ là cải trang. Chúng thực sự là những sát thủ tinh vi đến mức tàn nhẫn.
Bọ ngựa phong lan không chỉ ẩn mình giữa những bông hoa mà chúng cũng có thể đậu trên các chất nền thực vật khác như thân cây, cành và lá. Và cho dù đậu ở đâu, chúng cũng thu hút côn trùng hút mật còn nhiều hơn cả những bông hoa thật.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy các loài hút mật, chẳng hạn như ong, “đã chuyển hướng khỏi đường bay của chúng và bay thẳng về phía kẻ săn mồi lừa đảo này”.
Các nhà khoa học tin rằng bọ ngựa có thể không thực sự bắt chước chính xác một loại hoa cụ thể. Thay vào đó, chúng khai thác “quy tắc ngón tay cái” trong não côn trùng về nhận thức đối với thức ăn, nghĩa là bất cứ thứ gì phù hợp với màu X đều là hoa chứa mật hoa.
Bọ ngựa phong lan lợi dụng điều này bằng cách “khai thác giác quan”. Đó là một khối tập trung có màu sắc phù hợp với một kích thích siêu thường. Loài côn trùng hút mật sẽ phân loại bọ ngựa là một loài hoa khổng lồ chứa đầy mật hoa và lao đến nộp mạng.
Bọ ngựa phong lan cái có kích thước lớn hơn gấp ba lần con đực, đây được gọi là lưỡng hình giới tính, ở các loài động vật và côn trùng khác thường là để nhằm mục đích sinh sản. Nhưng với loài côn trùng này, các nhà khoa học lại rất thú vị khi phát hiện ra hoàn toàn không giống thế.
Một nghiên cứu năm 2016, do Tiến sỹ Gavin Svenson thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Cleveland (CMNH) dẫn đầu, cho biết đây là phát hiện hiếm hoi về sự thích nghi của con cái ở một loài là nhằm mục đích săn mồi chứ không phải nhằm mục đích sinh sản.
Theo Svenson, những con đực duy trì sự sống hoàn toàn khác với con cái, chúng ăn tạp bất cứ thứ gì chúng bắt được và có phạm vi di chuyển hẹp, cố gắng tìm kiếm bạn tình và trốn tránh những kẻ thù.
Nhóm nghiên cứu cho rằng sự phân hóa về kích thước và hành vi giữa con đực và con cái dường như là để cho con cái trở thành một kẻ săn mồi tốt hơn trong khi những con đực nhỏ hơn để dễ trốn tránh nguy cơ bị ăn thịt (bởi chính con cái) và tăng cơ hội giao phối.