Các nhà khoa học cho biết xác của một con cá voi răng thuổng đã dạt vào một bãi biển ở New Zealand. Đây là loài cá voi hiếm gặp và chưa một ai quan sát được khi chúng ở dạng sinh vật sống.
Xác cá voi dài 5m được tìm thấy gần cửa sông ở tỉnh duyên hải Otago, phía Nam New Zealand, ngày 4/7. Các chuyên gia về động vật biển có vú tại Cơ quan Bảo tồn New Zealand và Bảo tàng quốc gia Te Papa xác định đây là một con cá voi răng thuổng đực. Hiện tại xác cá voi đã được đưa vào kho lạnh và các mẫu gene được gửi tới trường Đại học Auckland để tiến hành giám định ADN.
Ông Gabe Davies – người quản lý hoạt động duyên hải tại tỉnh Otago của Cơ quan Bảo tồn New Zealand – cho biết: “Cá voi răng thuổng là một trong những loài động vật lớn có vú ít được biết đến nhất ở thời hiện đại. Kể từ những năm 1800, mới chỉ có 6 mẫu vật liên quan loài vật này được ghi nhận trên toàn thế giới. Trong số này, có tới 5 mẫu vật tìm được tại New Zealand”.
Theo Cơ quan Bảo tồn New Zealand, với xác cá voi này, các nhà khoa học sẽ có cơ hội đầu tiên để phân tích sâu hơn về loài động vật “rất hiếm và hầu như không có thông tin gì về chúng”.
Cá voi răng thuổng được mô tả lần đầu tiên vào năm 1874, dựa trên một hàm dưới và hai chiếc răng được thu thập từ quần đảo Chatham, ngoài khơi bờ biển phía Đông của New Zealand. Mẫu này cùng phần còn lại của bộ xương thuộc hai mẫu vật khác được tìm thấy ở New Zealand và Chile, đã giúp các nhà khoa học xác nhận một loài mới.
Theo chuyên gia Vanessa Pirotta, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu thành phần dạ dày, ADN của cá voi và so sánh chúng với các dữ liệu tổng hợp từ các mẫu vật trước đó. Điều này có thể giúp làm sáng tỏ hành vi của cá voi, số lượng của chúng và lý do tại sao chúng rất hiếm.