Taranto – Thiên đường bất ngờ cho cá heo giữa lòng công nghiệp

Vịnh Taranto, một thành phố công nghiệp cổ đại ở miền Nam Italy, trở thành thiên đường của nhiều loài cá heo, bất chấp nguy cơ tuyệt chủng ở Địa Trung Hải.

Trong khi hơn một nửa số cá heo và cá voi ở Địa Trung Hải đang có nguy cơ tuyệt chủng, vịnh của thành phố công nghiệp Taranto lại trở thành “thiên đường biển” đáng ngạc nhiên của nhiều loài cá heo.

Taranto có lịch sử công nghiệp lâu đời, dù vậy quần thể cá heo ngoài khơi thành phố duyên hải ở miền Nam Italy này vẫn “phồn thịnh” trong nhiều thiên niên kỷ.

Quần thể cá heo ngoài khơi bờ biển Taranto phát triển mạnh dù thành phố có lịch sử giao thông tàu thuyền và công nghiệp lâu đời. (Nguồn: Alamy/National Geographic)
Quần thể cá heo ngoài khơi bờ biển Taranto phát triển mạnh dù thành phố có lịch sử giao thông tàu thuyền và công nghiệp lâu đời. (Nguồn: Alamy/National Geographic)

Thành phố cổ Taranto nằm dọc theo Biển Ionian, được người Sparta thành lập vào năm 706 trước Công nguyên. Theo thần thoại Hy Lạp, nguồn gốc của thành phố liên quan đến các tiên nữ, những cuộc chiến tranh, con trai của các vị thần, và cả cá heo.

“Gắn liền với những huyền thoại, cá heo mang tính biểu tượng như “người bảo vệ thành phố”” – National Geographic dẫn lời Giovanni Pietro Marinò, nhà khảo cổ học từ bảo tàng MarTA của Taranto, cho biết.

Mặc dù là biểu tượng của thành phố, mãi đến đầu những năm 2000, nhà sinh vật biển học Roberto Carlucci từ Đại học Bari mới bắt đầu đặt câu hỏi về số lượng cá heo, nơi chúng giao phối và kiếm ăn, và cách chúng sống sót ngoài khơi một thành phố công nghiệp ô nhiễm.

Tại Taranto, có thể thấy những công trình công nghiệp khổng lồ hiện ra trên đường chân trời. Trong nhiều năm, cư dân ở đây không rời khỏi nhà vào những ngày gió để tránh không khí ô nhiễm thổi vào thành phố. Tuy nhiên, khu vực này tự hào có hệ sinh vật biển độc đáo và phát triển mạnh.

Những chú cá heo mang “gene Taranto”

Cá heo thường xuất hiện trong thần thoại Hy Lạp và La Mã như những sinh vật biển nhân từ, “người bảo vệ thủy thủ” và có mối liên hệ với thần Apollo.

Đến thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, Taranto đã giàu có và đủ quyền lực để đúc tiền riêng. Họ đã chọn đúc những đồng xu mang hình Taras, con trai của thần biển Poseidon. Hình ảnh Taras cưỡi một chú cá heo trên mặt đồng xu là nhận diện của đồng tiền đến từ Taranto.

Vào những ngày đẹp trời, từ lối đi dạo ven biển cũ của Taranto, người ta vẫn có thể nhìn thấy cá heo bơi rất gần thành phố “vì tò mò hoặc để tìm kiếm thức ăn”.

Thông qua giải trình tự gene, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng cá heo sọc của Vịnh mang những đặc điểm di truyền độc đáo không có ở các vùng khác của Địa Trung Hải. Điều này cho thấy cá heo ngày nay tại Taranto có thể là hậu duệ của những con cá heo mà người Hy Lạp cổ đại đã nhìn thấy.

Cristiana De Leonardis, nhà sinh vật học biển thuộc Tổ chức Bảo tồn Cá heo Jonian, cho biết: “Những chú cá heo này có “gene Taranto” trong DNA của chúng”.

Một đồng xu bằng bạc có niên đại từ năm 300 trước Công nguyên, mang hình ảnh biểu tượng của Taranto. (Nguồn: Getty Images/National Geographic).
Một đồng xu bằng bạc có niên đại từ năm 300 trước Công nguyên, mang hình ảnh biểu tượng của Taranto. (Nguồn: Getty Images/National Geographic).

Sau hơn một thập kỷ khảo sát các khu vực của Vịnh Taranto, các nhà nghiên cứu tại tổ chức bảo tồn này đã xác định được sáu loài: Cá heo Spinner – quần thể lớn nhất ước tính khoảng 20.000 cá thể; cá heo Bottlenose (mũi chai), cá heo thường, cá heo Risso và cá voi mõm khoằm Cuvier quý hiếm. Cá nhà táng đến nơi đây để sinh sản và các nhà nghiên cứu cũng thỉnh thoảng phát hiện ra cá voi vây.

Kể từ khi bắt đầu theo dõi cách đây 15 năm, quần thể cá heo vẫn ổn định và “chìa khóa” cho sự sống còn của chúng có thể nằm ở độ sâu hàng nghìn mét dưới mặt nước biển.

Cách bờ biển Taranto vài dặm, giữa Puglia và Calabria, một hẻm núi ngầm dưới biển gọi là Thung lũng Taranto có độ sâu 6.500 feet (gần 2km) ở điểm thấp nhất. Hẻm núi là môi trường sống năng động của các loài cephalopod (động vật chân đầu) – thức ăn của cá nhà táng.

Các sườn dốc của nó cũng “trộn” những vùng nước ấm gần bề mặt với các vùng nước lạnh sâu hơn giàu chất dinh dưỡng, thúc đẩy “sản xuất” những thực vật phù du ở đáy chuỗi thức ăn.

Trong một hệ sinh thái cân bằng, thực vật phù du nuôi dưỡng nhiều loài sinh vật biển như tôm, ốc và sứa, cung cấp thức ăn cho các loài cá – gồm cả cá heo.

Vì các nhà khoa học chỉ mới bắt đầu theo dõi quần thể cá heo Taranto gần đây nên không rõ con người đã thách thức sự sống còn của chúng như thế nào trong nhiều thế kỷ “sinh sống cạnh nhau”.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng địa lý độc đáo của hẻm núi cung cấp nguồn thức ăn ổn định giúp quần thể cá heo thích nghi với những tác nhân gây căng thẳng cho chúng, như ô nhiễm hoặc va chạm tàu thuyền.

Nhờ đó, trong khi hơn một nửa số cá heo và cá voi ở Địa Trung Hải đang có nguy cơ tuyệt chủng, vịnh của thành phố công nghiệp Taranto lại trở thành “thiên đường biển” đáng ngạc nhiên.

Tình trạng ô nhiễm

Thành phố duyên hải của Italy muốn đảm bảo vùng biển của mình vẫn là nơi trú ẩn cho loài cá heo sinh sống lâu đời.

Ngoài khơi bờ biển của thành phố, cá heo phải đối mặt với nhiều mối đe dọa ngày càng tăng: Hoạt động của tàu thuyền, ô nhiễm tiếng ồn, việc đánh bắt cá và nhiệt độ nước biển tăng cao.

Hải quân Italy có căn cứ lớn nhất tại đây, chiếm nhiều km bờ biển. Nơi đây cũng là địa điểm đóng một trung tâm chỉ huy NATO, và cảng thương mại của thành phố đang được mở rộng.

Nhà máy điện gió ngoài khơi đầu tiên của Italy đã được khánh thành vào năm 2022, và dọc theo bờ biển phía Bắc của thành phố, công ty năng lượng Eni có một nhà máy lọc dầu lớn.

Nghiên cứu cho thấy ô nhiễm tiếng ồn dưới nước từ các hoạt động này mang đến nguy cơ cho các loài động vật biển có vú như cá heo. Cá heo dùng âm thanh để giao tiếp với nhau, định hướng xung quanh và tìm kiếm thức ăn. Tiếng ồn dưới nước do giao thông đường biển và hoạt động công nghiệp tạo ra có thể làm gián đoạn những hành vi thiết yếu này của chúng.

Thêm vào đó, ô nhiễm không khí từ ILVA – nhà máy thép lớn nhất châu Âu – có thể ảnh hưởng đến cá heo. Carlucci tin rằng “gần như không thể có chuyện ô nhiễm phát sinh dọc bờ biển lại không ảnh hưởng đến môi trường biển và các sinh vật biển”. Nhưng việc xác định mối liên hệ trực tiếp giữa ô nhiễm nhà máy và các tác động cụ thể đến môi trường biển đòi hỏi nhiều nghiên cứu hơn.

Nhà máy thép Ilva tại thành phố Taranto, miền Nam Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Nhà máy thép Ilva tại thành phố Taranto, miền Nam Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Nhà máy thép này được xây dựng vào những năm 60 của thế kỷ trước, sản lượng đạt đỉnh vào đầu những năm 1970 và 1980. Nhà máy có tới hơn 40.000 nhân công, chiếm khoảng 16% dân số Taranto vào thời điểm đó và sản xuất hơn 17 triệu tấn thép mỗi năm.

Nhà máy hiện chỉ sản xuất còn khoảng 3 triệu tấn mỗi năm, một phần do các vụ kiện về mối liên hệ giữa khí thải nguy hại với các bệnh chết người như ung thư.

“Tương lai xanh” cho cả con người và cá heo

Hiện nay, Taranto đang hướng tới một tương lai xanh hơn cho cả con người và cá heo.

“Thành phố này đã mắc những sai lầm mà nhiều nơi khác ở Italy đã gặp phải. Chúng ta ‘ngắt kết nối’ với biển để xây dựng các ngành công nghiệp” – thị trưởng Taranto Rinaldo Melucci nói. Ông muốn xây dựng lại những kết nối đó và chuyển đổi thành phố từ quá khứ công nghiệp sang một tương lai bền vững hơn.

Các chính trị gia địa phương hiện đang làm việc với các nhà khoa học để thành lập một khu bảo tồn biển (MPA) ở một phần Vịnh. MPA sẽ thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn, tăng nguồn lực cho nghiên cứu và đặt ra các quy tắc nhằm hạn chế ô nhiễm tiếng ồn và giao thông tàu thuyền.

MPA vẫn đang chờ Bộ Môi trường Italy phê duyệt và chưa có thời hạn rõ ràng. Tuy nhiên, thị trưởng Melucci đang thúc đẩy và cho biết thành phố sẽ bắt đầu thành lập các văn phòng địa phương có thể giám sát MPA một ngày nào đó.

Nhà sinh vật biển học Carlucci lo ngại hoạt động cảng biển ngày càng tăng có thể gây hại cho quần thể Taranto cổ đại trước khi các biện pháp bảo vệ biển được thiết lập. “Nỗi sợ lớn nhất của tôi là sẽ quá muộn trước khi chúng ta thiết lập được những biện pháp đó” – ông nói.

Việc khôi phục môi trường của thành phố là một quá trình đầy thách thức. Khu phố cổ đang được khôi phục và mở cửa trở lại, nhiều tàu du lịch hiện đang neo đậu tại bến cảng Taranto và thành phố đang thu hút các sự kiện thể thao biển quốc tế.

De Leonardis nói: “Tôi muốn Taranto một lần nữa trở thành thành phố của cá heo”.

Team Tế Bào Vui
Team Tế Bào Vui
Bài viết: 453