10 cá thể cầy vằn quý hiếm vừa được sinh sản tự nhiên tại Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã ở Vườn quốc gia Cúc Phương.
Ngày 18/6, ông Lê Trọng Đạt, Phó giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết, 10 cá thể cầy vằn con được sinh sản thành công từ việc ghép bốn cặp bố mẹ. Hiện chúng khoảng một tháng tuổi và khỏe mạnh.
Cuối năm 2023, 4 cá thể cầy vằn cái và 8 cá thể đực trưởng thành được lực lượng chức năng tịch thu từ hoạt động buôn bán động vật hoang dã đưa về Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam, cho ghép đôi. “10 cá thể cầy vằn con được bốn con mẹ sinh tự nhiên và hiện khá khỏe mạnh. Kết quả đạt được ngoài mong đợi”, ông Trần Văn Trường, cán bộ điều phối hoạt động Bảo tồn ngoại vi, Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam, cho hay.
Theo ông Lê Trọng Đạt, Phó giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Cúc Phương, đây là lần sinh sản cầy vằn thành công lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới.
Hiện tất cả cá thể cầy vằn, bao gồm cả số con non đều được giám sát liên tục 24 giờ hàng ngày qua hệ thống camera. Ngoài ra, việc hạn chế tối đa tác động của con người đến đàn cầy vằn cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Năm 2023, với mục tiêu bảo tồn loài cầy quý hiếm này, Vườn quốc gia Cúc Phương phối hợp với Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam đã xây dựng khu sinh sản bảo tồn rộng 1,3 ha kèm một số hạng mục như hệ thống tường rào, chuồng sinh sản, khu chế biến thức ăn…
Dự án hướng đến sinh sản thành công và duy trì sự ổn định của ít nhất 50 cá thể cầy vằn và bắt đầu tái phục hồi quần thể trước khi thả chúng về tự nhiên. Cơ quan chức năng nhận định, có thể tái thả các cá thể cầy vằn ở Cúc Phương về tự nhiên trong khoảng 3-4 năm tới.
Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam đang tìm kiếm thêm các nguồn lực và thúc đẩy hợp tác với các đơn vị trong nước như Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, Thảo cầm viên Sài Gòn và các cơ quan nhà nước, nhằm đa dạng hóa nguồn gene.
Cầy vằn có tên khoa học Chrotogale owstoni, là loài thú ăn thịt nhỏ đẹp và có giá trị sinh thái cao, rất quý hiếm ngoài tự nhiên. Chúng là một trong những loài có phạm vi phân bố nhỏ nhất trong nhóm thú ăn thịt nhỏ ở châu Á, chỉ được tìm thấy ở Việt Nam, Lào và một phần rất nhỏ ở miền Nam Trung Quốc. Loài này nằm trong nhóm Nguy cấp của sách đỏ thế giới (IUCN), được xếp vào danh sách loài nguy cấp được ưu tiên bảo vệ.
Quần thể cầy vằn trong tự nhiên đang bị suy giảm nghiêm trọng do tình trạng săn bắt và buôn bán trái phép làm thực phẩm và thú cưng. Theo đó “việc bảo vệ và phục hồi cầy vằn trở thành một ưu tiên trong bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam và thế giới”, theo Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam.